Giới thiệu
Những chân trời có người bay 3 (gọi tắt là CHÂN TRỜI 3) là dự án nghệ thuật liên ngành, một phiên bản về tính đa dạng trong thực hành nghệ thuật của các nghệ sĩ trẻ Việt Nam đương đại.
Tiếp nối thành công của CHÂN TRỜI 1 (2010 tại London) và CHÂN TRỜI 2 (2012 tại Hà Nội), CHÂN TRỜI 3 khởi sự từ năm 2014 với ý tưởng “viễn du” và “giới hạn”. Tiêu đề dự án lấy cảm hứng từ tứ thơ của Trần Dần – một nhân vật quan trọng trong nền thi ca tiền vệ Việt Nam – về một nơi thiếu vắng không gian cho tưởng tượng và tự do, được viết năm 1988, ngay sau Đổi mới:
“Tôi khóc những chân trời không có người bay
Lại khóc những người bay không có chân trời”
CHÂN TRỜI 3 khởi đầu cùng những nghệ sĩ “bay ra” khỏi lãnh địa quen thuộc, đưa mình vào những chuyến “viễn du” để phản ánh và khám phá những vấn đề liên quan đến lịch sử quốc gia phức tạp, văn hoá đứt gãy, di cư, khai thác tận diệt thiên nhiên và con người, quá trình đô thị hoá cũng như những vấn đề về giới.
Với mong muốn thúc đẩy mối liên kết và hợp tác giữa nghệ thuật đương đại với các lĩnh vực khác, CHÂN TRỜI 3 đưa nghệ sĩ, chuyên gia và học giả từ các ngành khoa học xã hội xích lại cùng nhau. Qua quá trình đối thoại, các phương thức sản sinh tri thức đa đạng được giới thiệu và trao đổi, mở ra những khả năng sáng tạo và thực hành mới.
Kết quả cuối cùng của dự án hi vọng phác hoạ được quang cảnh Việt Nam đương đại qua lăng kính của những nghệ sĩ sinh ra và lớn lên trong thời kỳ Đổi Mới. Mười một dự án nhỏ được triển khai dọc theo đất nước, hiển thị qua sáu triển lãm cá nhân, triển lãm đôi và triển lãm nhóm diễn ra liên tục từ tháng Mười năm 2016 đến tháng Giêng năm 2017 tại năm địa điểm khác nhau ở Hà Nội: Quỹ Nhật Bản, Nhà Sàn Collective, MAM-Art Projects của CÚC Gallery, Viện Goethe và Heritage Space.
Trong khuôn khổ dự án, TRAO ĐỔI TRI THỨC – một chuỗi các hội thảo công cộng mở ra đối thoại giữa nghệ sĩ và học giả các ngành sử học, văn học, nhân học, khảo cổ và xã hội học đến từ Hoa Kỳ, Đan Mạch, Đức, Hồng Kông và Việt Nam – diễn ra từ tháng Ba đến tháng Mười hai năm 2016. Nhận thức được các hệ thống tri thức khác nhau có thể dẫn đến những khả năng liên kết cũng như phân tách, TRAO ĐỔI TRI THỨC hứa hẹn mở ra một cái nhìn sâu rộng hơn vào các quá trình tư duy và phương pháp tiếp cận từ cả giới nghiên cứu lẫn sáng tạo, hé lộ những tương đồng cũng như khác biệt của họ.
CHÂN TRỜI 3 được thực hiện dưới sự bảo trợ của Nhà Sàn Collective, không gian nghệ thuật phi lợi nhuận do nghệ sĩ điều hành với mục đích thúc đẩy những thực hành sáng tạo thể nghiệm.
Trao đổi Tri thức
CHÂN TRỜI 3 mở rộng biên độ nghệ thuật tới các ngành khoa học xã hội và nhân văn, tạo ra cơ hội hợp tác giữa nghệ sĩ và các tổ chức giáo dục, viện nghiên cứu và hệ thống bảo tàng. Kết quả của quá trình này là TRAO ĐỔI TRI THỨC – chuỗi hội thảo liên ngành không chỉ giới hạn ở giới nghiên cứu và nghệ thuật, mà còn dành cho các đối tượng công chúng khác nhau.
Cách đây hơn hai thiên niên kỷ, Plato đã định nghĩa tri thức chính là khả năng nhận thức của con người (Plato, 369 TCN. Theaetetus, D1:151d8-e4). Lấy quan điểm này làm nền tảng, TRAO ĐỔI TRI THỨC kỳ vọng xác lập không gian cho đối thoại và hợp tác giữa các lĩnh vực và cộng đồng khác nhau, nhằm gợi mở những phương pháp xây dựng và trao đổi kiến thức mới mẻ và đang dạng. Ngoài ra, TRAO ĐỔI TRI THỨC hi vọng thúc đẩy vai trò của nghệ thuật trong bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại.
TRAO ĐỔI TRI THỨC diễn ra từ tháng 3 đến tháng 12 năm 2016 tại các địa điểm khác nhau ở Hà Nội. Tham gia TRAO ĐỔI TRI THỨC là các nghệ sĩ của dự án Những chân trời có người bay 3 và các chuyên gia, học giả ngành lịch sử, văn học, khảo cổ học, xã hội học, chính trị học v.v... đến từ Việt Nam, Hồng Kông, Đan Mạch, Đức và Mỹ.
Hỗ trợ
Đối tác
Tiếp nối thành công của hai phiên bản trước, CHÂN TRỜI 3 đã nhận được sự cộng tác từ nhiều không gian nghệ thuật và tổ chức văn hoá, giáo dục trong và người nước, bao gồm: Viện Goethe, Quỹ Nhật Bản, MAM-Art Projects của CÚC Gallery, Heritage Space, Hanoi Creative City, Manzi Art Space, Hanoi Grapevine, Queer Forever!, Hà Nội DOCLAB, Chula, trường Đại học Georg-August Göttingen và Dự án Trao đổi Giáo dục ngành Bảo tàng học giữa Đức và Việt Nam (Mugovie) của trường Đại học Khoa học Ứng dụng Berlin.
Đơn vị Hỗ trợ
CHÂN TRỜI 3 trân trọng những đóng góp vật chất và công sức nhiệt thành từ các quỹ và các cá nhân: Quỹ Trao đổi và Phát triển Văn hoá Đan Mạch (CDEF), Quỹ Hợp tác Nghệ thuật Hà Lan – thuộc Quỹ Doen, Quỹ Truyền thông Giáo dục Cộng đồng (FCEM), Quỹ Heinrich Böll Đông Nam Á, Quỹ Abundance Foundation, Quỹ Green Cities Fund, tiến sĩ lập trình Robin Wolff, GS.TS. Oliver Rump, GS.TS. Andrea Lauser, thiết kế đồ hoạ Yoshi Nego, Lukas Zerbst, Nguyễn Anh Cường và Phan Ngọc Phương Chi, hiệu đính Fabiola Büchele, Ngân Nguyễn, Quyên Nguyễn, Nghĩa Đặng, đội ngũ Nhà Sàn Collective gồm Hoàng Vũ Huyền Châu, Cầm Khánh Linh, Lê Tuấn Phi, Phùng Tiến Sơn và các tình nguyện viên khác, cùng những nghệ sĩ, học giả cũng như bạn bè trong và ngoài nước.